Giữ ngọn lửa đam mê
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn-Phó Chủ nhiệm CLB Hát tuồng thôn Tú Thủy-chia sẻ: Bà quê ở Tiên Thuận, xã Bình Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Năm 1967, gia đình bà lên An Khê định cư. Cha của bà là ông Nguyễn Văn Tiên khi đó là một kép hát nổi tiếng ở thôn Tiên Thuận. Vì đam mê nghệ thuật tuồng truyền thống của quê hương “đất võ, trời văn” nên ông đã thành lập đoàn tuồng. Ông Tiên làm trưởng đoàn, thành viên là các con và những người yêu thích nghệ thuật tuồng.
Cứ vào dịp lễ, Tết, đoàn tuồng lại dựng sân khấu, căng phông màn biểu diễn phục vụ người dân. Tiếng trống chầu, lời ca tiếng hát, nhiều vở tuồng với các nhân vật trở nên quen thuộc thấm vào tâm thức người dân An Khê và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu.
“Do sức khỏe giảm sút, cha tôi không thể đứng ra tổ chức, đoàn tuồng đành giải thể vào năm 1987 và phong trào hát tuồng lắng xuống. Đến năm 2019, CLB Hát tuồng thôn Tú Thủy được thành lập. Cha tôi qua đời hồi tháng 3-2022, cũng xem như ông tạm yên lòng khi biết con cháu và các học trò đã và đang kế thừa sự nghiệp mà ông dành biết bao tâm sức gầy dựng”-bà Nhàn tâm sự.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, dẫu vắng bóng trên sân khấu, nhưng hàng ngày, ông Tiên vẫn âm thầm truyền dạy kinh nghiệm, kỹ năng diễn xuất cho các con và học trò của mình. Trong thời gian này, ông cũng sưu tầm, nghiên cứu viết hơn chục tích tuồng như: Đường về Tổ quốc, Ngón tay nghĩa hiệp, Vì nước ly thê, Hoa đào vương sóng, Việc nước trước việc nhà, Lâm Sanh-Xuân Nương, Lưỡi kiếm vô tình… Tất cả các tác phẩm này bà Nhàn đều được cha tin tưởng giao cất giữ, đồng thời hướng dẫn các em luyện tập, biểu diễn.
“Tôi và 8 người em từ nhỏ đã theo cha đi diễn khắp làng trên xóm dưới, tình yêu tuồng thấm vào người khi nào không hay. Lớn lên, ai cũng vất vả mưu sinh, lo kinh tế gia đình, nhưng hễ có dịp là chị em tụm lại hát, diễn để cha nhận xét góp ý. Cứ như vậy, kỹ năng diễn xuất của chị em chúng tôi được trau dồi, hồn cốt của môn nghệ thuật tuồng cơ bản được gìn giữ, bảo tồn”-bà Nhàn chia sẻ.
Vợ chồng ông bà Võ Hồng Sơn-Nguyễn Thị Thúy Hoàng (thôn Tú Thủy 2) là thành viên của đoàn tuồng hơn 40 năm qua. Đóng cặp phu thê (đào-kép) trên sân khấu rồi 2 người mến nhau mà nên nghĩa vợ chồng. Ông Sơn trải lòng: “Nghệ thuật hát tuồng có ý nghĩa rất quan trọng đối với vợ chồng tôi. Cả đời này chúng tôi gắn bó với tuồng, mang lời ca, tiếng hát của mình phục vụ bà con. Cứ mỗi lần đi diễn, được hát, được hóa thân vào nhân vật bằng tất cả khả năng của mình là hạnh phúc lắm. Tôi mong có nhiều bạn trẻ yêu mến hát tuồng để môn nghệ thuật này còn vang vọng mãi”.
Trăn trở với môn nghệ thuật tuồng truyền thống
Xuất phát từ tình yêu sâu đậm, trách nhiệm bảo tồn nghệ thuật hát tuồng của những nghệ sĩ không chuyên, tháng 8-2019, UBND xã Tú An quyết định thành lập CLB Hát tuồng thôn Tú Thủy với 12 thành viên là các con và học trò của ông Nguyễn Văn Tiên.
Ông Phạm Ngọc Niên-Chủ nhiệm CLB-cho biết: “Trước khi diễn ra buổi hát, tôi có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị ngành chức năng, chính quyền địa phương cấp phép; liên hệ, thuê đội nhạc công, ánh sáng để tập luyện hòa âm phối khí; lo chi phí mua sắm trang phục, đạo cụ, phông màn, ăn uống cho cả đoàn… Vất vả nhất là khâu vận động kinh phí”.
Nhờ sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền cùng các nhà hảo tâm, CLB có điều kiện đầu tư sân khấu, mua sắm trang phục, đạo cụ, bồi dưỡng diễn viên. Kể từ khi thành lập đến nay, CLB đã biểu diễn 6 lần vào dịp lễ, Tết phục vụ công chúng. Lúc nào họ cũng cháy hết mình với vai diễn, với nghệ thuật, làm lay động trái tim hàng ngàn khán giả.
Bà Nguyễn Thị Huyền (thôn Tú Thủy 2) tâm sự: Hồi còn trẻ, mỗi lần nghe đoàn tuồng của xã công diễn, ai cũng háo hức, rủ nhau đi xem đông như trẩy hội. “Vài năm gần đây, con cháu, học trò ông Nguyễn Văn Tiên đã gầy dựng lại đoàn tuồng, đem lời ca tiếng hát phục vụ bà con. Mặc dù không học qua trường lớp nhưng họ diễn xuất rất hay, công phu, bài bản, đặc biệt là với các vở tuồng cổ”-bà Huyền tấm tắc khen.
Còn chị Trần Thị Thu Sử (thôn Tú Thủy 2) thì tâm sự: “Dịp Thanh minh năm 2018, tôi lần đầu tiên được xem các cô chú diễn vở “Phạm Công-Cúc Hoa”. Vở diễn rất hay, xem vô cùng xúc động khiến tôi nhớ mãi. Sau này, khi biết tin đoàn tuồng diễn lại vở này, tôi dắt theo 2 con đi xem cùng, cũng là để các con cảm nhận và trân quý bài học làm người được gửi gắm qua tác phẩm, từ đó mà hiểu thêm bản sắc văn hóa truyền thống ông cha”.
Ông Nguyễn Xuân Toàn-Phó Chủ tịch UBND xã Tú An-cho rằng: Dẫu còn bao lo toan, bộn bề cuộc sống, nhưng các thành viên CLB Hát tuồng thôn Tú Thủy luôn gắn kết, cố gắng duy trì hoạt động, vừa là để thỏa niềm đam mê vừa góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. “Do nguồn ngân sách xã còn khó khăn nên địa phương mới chỉ hỗ trợ về thủ tục hành chính, cấp phép cho CLB tổ chức các buổi biểu diễn vào dịp lễ, Tết. Xã vận động các cơ sở kinh doanh, Mạnh Thường Quân, người dân trên địa bàn chung tay đóng góp kinh phí giúp CLB duy trì hoạt động, biểu diễn phục vụ và mua sắm tư trang, đạo cụ”-ông Toàn cho hay.
Ông Nguyễn Thanh Điệp-Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã An Khê: Những năm qua, CLB Hát tuồng thôn Tú Thủy đã nỗ lực gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật hát tuồng. Ngành Văn hóa luôn quan tâm, tạo điều kiện để CLB tiếp tục duy trì, phát triển loại hình nghệ thuật hát tuồng trên quê hương An Khê.
Thông báo: