Mẹo nhỏ:Tìm kiếm ngay
142 lượt xem

Gia Lai: TRƯỜNG THCS VÀ THPT Y ĐÔN – TỔ CHỨC TUYÊN TRUYỀN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG ĐUỐI NƯỚC TRẺ EM

Căn cứ Kế hoạch số 927/KH-SGDĐT ngày 14 tháng 4 năm 2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai về việc triển khai công tác phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh năm 2023.

Sáng ngày 24/4/2023, tại 2 khu vực của trường THCS và THPT Y Đôn, Tổ TD – GDQP – AN – MT phối hợp với Đoàn trường tổ chức buổi sinh hoạt dưới cờ với chủ đề tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho HS năm học 2022– 2023 nhằm tăng cường và đẩy mạnh hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, giúp học sinh nâng cao sức khỏe, giáo dục kỹ năng nhận biết các nguy cơ dẫn đến tai nạn đuối nước, kỹ năng bơi an toàn; giúp học sinh chủ động phòng và chống tai nạn đuối nước xảy ra đối với học sinh, nhằm giảm tỉ lệ học sinh gặp nạn.

Trong buổi tuyên truyền, các thầy cô giáo tổ TD – GDQP – AN – MT cung cấp thông tin về thực trạng và nguyên nhân đuối nước ở trẻ em. Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình trạng đuối nước trẻ em có xu hướng gia tăng, đã xảy ra nhiều vụ đuối nước trẻ em trên toàn quốc, thời điểm xảy ra nhiều vào mùa hè khi thời tiết nắng nóng, các em được nghỉ học, tham gia vào nhiều hoạt động vui chơi tự do, dã ngoại, du lịch cùng gia đình. Đặc biệt, năm 2022, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, trẻ em trở lại trường, bắt đầu tham gia các hoạt động vui chơi, đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra, khiến nhiều trẻ em bị tử vong, có những vụ là anh chị em trong một gia đình. Cho đến nay, tử vong do đuối nước là mối đe dọa lớn nhất tới trẻ em, trực tiếp ảnh hưởng tới hạnh phúc của các gia đình cũng như sự phát triển của đất nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị tai nạn, thương tích và tử vong là do địa bàn có nhiều ao, hồ, sông, suối, nước lớn và mạnh vào mùa mưa (khoảng từ tháng 5 đến tháng 10); nhiều gia đình đào giếng, ao trữ nước trong vườn nhà, rẫy nhà, thiếu che chắn. Trong khi đó, kỹ năng biết bơi an toàn, kiến thức về an toàn phòng, chống đuối nước ở trẻ em còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm, giám sát trẻ của cha mẹ, người chăm sóc cộng với bản tính hiếu động, tò mò của trẻ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn, thương tích và tử vong do đuối nước ở trẻ em.

Thầy Vĩnh Tú – Tổ trưởng tổ TD-QPAN-ÂN-MT tuyên truyền công tác phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước .

Từ thực trạng và nguyên nhân để phòng chống đuối nước một cách có hiệu quả cho trẻ em, các thầy cô giáo đã hướng dẫn các em học sinh kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước:Kỹ năng tự cứu đuối; Kỹ năng xử lí khi gặp tai nạn đuối nước đúng cách.

Khi không may bị rơi xuống nước, tâm lý của chúng ta thường rất hoảng loạn. Ngay cả những người biết bơi cũng có nguy cơ chết đuối nếu bị rơi xuống nước bất ngờ. Để có thể tự cứu mình thoát khỏi chết đuối ngay cả khi không biết bơi, bạn cần:

Bước 1: Đầu tiên là phải tự sốc lại tinh thần, lấy lại bình tĩnh, bắt đầu nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, biến cơ thể thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.

Bước 2: Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.

Bước 3: Khi cơ thể đã đẩy lên mặt nước bạn dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.

Bước 4: Khi chuyển động lên xuống, chuyển động về phía trước hãy nhớ trên mặt nước, há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi hoặc bằng mồm. Khi nhô được lên mặt nước cố gắng ra tín hiệu cầu cứu để có người hỗ trợ nhanh nhất có thể.

Nguyên tắc này cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước: 

+ Nếu không biết bơi ta phải tìm khúc gỗ, phao, vật nổi… ném xuống cho nạn nhân bám vào để lên bờ hoặc chạy ngay đi tìm người lớn đến cứu. Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi.

+ Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước (chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi). Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.

Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu bệnh nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực: Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.

+ Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 – 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 – 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.

+ Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Các thầy giáo hướng dẫn kĩ năng xử lí khi gặp tai nạn đuối nước.

          Để củng cố lại kiến thức đã cung cấp để phòng, chống đuối nước, các thầy cô đã xây dựng bộ câu hỏi trả lời nhanh, trắc nghiệm. Các em học sinh đã tương tác rất nhiệt tình, thể hiện được sự chú tâm lắng nghe và khắc sâu kiến thức của bản thân trong hoạt động. Trước khi kết thúc hoạt động, thầy cô phân công nhiệm vụ cho các em học sinh trở thành một tuyên truyền viên giúp những người thân trong gia đình,  mọi người, mọi nhà, phòng tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra. Qua hoạt động nhà trường thể hiện mong muốn các em học sinh luyện tập kỹ năng bơi lội ở những cơ sở dạy bơi có sự hướng dẫn của thầy dạy bơi, giúp các em có kỹ năng phòng, chống đuối nước, để cho các em có một có kỳ nghỉ hè thực sự vui vẻ, an toàn và bổ ích./.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA HOẠT ĐỘNG

Toàn cảnh buổi tuyên truyền.

                                                                                                     Tin bài: Bạch Thủy.

Nguồn: Sở Giáo dục Gia Lai http://gialai.edu.vn/ke-hoach-giao-duc/to-td-gdqp-nhac-hoa/truong-thcs-va-thpt-y-don-to-chuc-tuyen-truyen-cong-tac-phong-chong-duoi-nuoc-tre-em.html

Thông báo:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *